HOÀI NIỆM VỀ QUÊ HƯƠNG CỦA NGUYỄN HỮU ĐƯỜNG ( Kỳ 4 )

3 phút để đọc

CHUYỆN Ở SÂN ĐỀN BÂY GIỜ KỂ LẠI

Từ những năm 1970 đến 1980, làng Cựu Hào và làng Hồ Sen được hợp nhất thành hợp tác xã Liên Hào. Phần tiền đường và sân đền đã diễn ra bao chuyện, bây giờ kể lại cho lớp trẻ nghe thì cứ như truyện cười cổ tích.

Vào ngày mùa thu hoạch thì sân đền là nơi làm lúa và chia lúa, chia rơm, chia khoai. Vào mùa chăm bón thì bà con xã viên gồng gánh nước tiểu, tro bếp ra sân đền để cân cho HTX lấy điểm và HTX chia cho xã viên các loại phân hóa học để tăng gia. Lúc bầy giờ đã có chuyện thật như đùa, khi nghe tiếng kẻng, bà con lại bảo nhau rằng hôm nay HTX cân cái nước đái. Có nhà, vại nước giải còn vơi đã múc nước ao đổ vào cho đầy rồi mang ra cân.

Hàng tháng, hàng qúy cán bộ của HTX mua bán huyện lại xuống sân đền để thu mua lợn, gà, hoặc buồng chuối, quả mít của dân. Lúc bấy giờ, mỗi hộ gia đình phải có nghĩa vụ chăn nuôi lợn gà để bán cho Nhà Nước, khi làm đủ nghĩa vụ thì ngày mùa và ngày Tết mới được phân phối thịt để ăn. Giá cả lúc bấy giờ “mua thì như cướp, bán thì như cho”. Các cụ xưa có nói “có tiền mua tiên cũng được” nhưng vào thời kỳ đó thì không phải như vậy. Có tiền cũng không mua được các thứ nhu yếu phẩm, mọi thứ do Nhà nước phân phối. Những người buôn bán được gọi bằng danh từ miệt thị là con buôn. Có một câu chuyện xảy ra vì đã lâu quá rồi tôi không còn nhớ chính xác là năm nào chỉ biết là vào dịp tết, có mấy nhà chung nhau đánh đụng một con lợn còi. Để khỏi bị lộ, phải giết lợn vào ban đêm và giết một nơi, chia nhau ở một nơi khác. Sau khi cạo lông sạch sẽ, lợn được quấn vào manh chiếu rách, một ông vác trên vai để mang đi. Cuối tháng chạp, trời mưa phùn gió bấc, đêm tối đen như mực, cách nhau chỉ một bước chân cũng không nhìn thấy gì. Trên đường đi, thế quái nào ông đánh đụng lợn trộm lại đụng ngay phải ông dân quân, lợn rơi bịch xuống đường, trắng hếu. Cũng may mà ông dân quân là người họ hàng anh em nên sự việc được giữ kín và con lợn còi phải bớt một cân để biếu cho ông dân quân.

Thời bao cấp, cửa hàng thương nghiệp như là văn phòng của chính quyền chuyên chính vô sản. HTX mua bán của xã phải chăm lo đến đời sống của xã viên, phân phối từ cái kim, cuộn chỉ, nước mắm, mắm tôm, muối hột, vải màn xô, vải xa tanh, quần phíp…Có hôm sân đền trở thành nơi phân phối nước mắm, mắm tôm của HTX mua bán. Hồi đó hàng hóa không có đóng gói sẵn, mọi người phải mang chai để đựng nước mắm, mang bát tô để đựng mắm tôm. Hôm đó sân đền lại nhộn nhịp hẳn lên, mùi đặc trưng của nước mắm, mắm tôm tỏa khắp sân đến.

Cho đến tận bây giờ, những ký ức tại sân đền thỉnh thoảng lại hiện về trong tôi. Có một thời như vậy đấy, một thời khổ ải nhiều, buồn thương nhiều, nhưng nhiều hơn cả là những chuyện ấu trĩ và buồn cười. Thế hệ chúng tôi đã trải qua một thời khốn khó, nhưng cũng nhờ nó mà chúng tôi đã có một sức đề kháng để tồn tại. Mỗi khi nghĩ về một thời đã trải qua, mình càng trân trọng những gì đã và đang đổi mới hàng ngày trên quê hương.