HOÀI NIỆM VỀ QUÊ HƯƠNG CỦA NGUYỄN HỮU ĐƯỜNG ( KỲ 3)
ĐÁM CƯỚI THỜI BAO CẤP Ở QUÊ HƯƠNG TÔI
Thời bao cấp trên miền Bắc là vào khoảng giữa những 1970 đến khoảng giữa những năm 1980, khi đất nước bước vào thời kỳ hòa bình, tập trung khắc phục hậu qủa chiến tranh và xây dựng quê hương. Giai đoạn này là dấu ấn đậm nét trong ký ức của nhiều người dân Việt Nam nói chung và người dân quê tôi nói riêng. Trong đời, tôi đã đi dự rất nhiều đám cưới ở các vùng miền từ thành thị đến nông thôn nhưng mà sao đến nay tôi vẫn còn nhớ như in những đám cưới giản dị, đơn sơ ở nông thôn thời bao cấp. Những đám cưới đạm bạc, thiếu thốn vật chất nhưng rất ấm cúng, chất phác, hồn nhiên và tình người sâu đậm lưu giữ mãi trong ký ức của tôi.
Cứ vào khoảng cuối năm cũ, đầu năm mới dương lịch là vào mùa cưới. Những cặp nam nữ yêu nhau, sau khi được bố mẹ hai bên gia đình đồng ý thì sẽ định ngày tổ chức cưới. Trước tiên là đôi nam nữ phải lên xã đăng ký kết hôn, có hai người lớn đại diện cho hai bên gia đình đi cùng để làm chứng. Sau khi xác minh lại lý lịch của đôi nam nữ để làm đăng ký kết hôn, cán bộ tư pháp xã thường có lời dặn dò, trước hết là câu: “Anh chị phải chấp hành nghiêm chỉnh chính sách sinh đẻ có kế hoạch, vui duyên mới nhưng không được quên nhiệm vụ” vv…
Để chuẩn bị cho ngày cưới, đôi nam nữ và gia đình hai bên phải đến từng nhà gặp anh em họ hàng, bạn bè để mời, vì lúc bấy giờ chưa có lệ mời bằng thiệp.
Trước ngày cưới khoảng hai ba ngày, nhà trai và nhà gái phải dựng rạp tại sân nhà. Rạp được dựng bằng các cây luồng, cây tre lá cót, tất cả phải đi mượn của hàng xóm. Các đám cưới hồi đó đều có sự giúp đỡ rất tích cực của đoàn thanh niên. Chi đoàn hoặc xã đoàn cử đoàn viên đến dựng rạp, mượn bàn ghế, lọ cắm hoa, căng phông màn, đun nước, trang trí. Phông màn là tấm vải căng lên rồi cắt chữ bằng giấy dán lên. Khẩu hiệu: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” là câu bất di bất dịch, đám cưới nào cũng phải có, không có câu ấy là không được. Dưới khẩu hiệu là tên của đôi uyên ương, lồng vào đó là đôi chim bồ câu trắng ngậm hình trái tim và chữ “song hỷ” bằng chữ nho. Có đám cưới còn có thêm đôi câu đối: “Hạnh phúc non sông hạnh phúc nhà, Thắm tình non nước thắm tình ta”. Người dẫn chương trình (bây giời gọi là MC) là người hoạt khẩu nhanh mồm nhanh miệng do chi đoàn cử ra. Bài mở đầu của MC ở mọi đám đều giống nhau như: Được sự công nhận của chính quyền, được sự đồng ý của hai bên gia đình, hôm nay ngày lành tháng tốt, hai đồng chí A và B chính thức tổ chức hôn lễ, chúc hai đồng chí vui duyên mới không quên nhiệm vụ…Tiếp đó là bí thư chi đoàn hoặc xã đoàn phát biểu chúc mừng hạnh phúc và giao nhiệm vụ cho hai đồng chí, đại loại như nuôi bèo hoa dâu, làm phân xanh, ủ phân chuồng, đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, xung phong gương mẫu khi có đợt tuyển quân vv…có bí thư còn tranh thủ tổng kết các mặt công tác của chi đoàn, khiến bà con hai họ cứ nghệt mặt ra nghe mà chẳng hứng thú gì. Có đám cưới vinh dự nếu được bí thư chi bộ hoặc chủ nhiệm HTX đến dự thì hai họ còn được nghe phổ biến tình hình, kế hoạch, nhiệm vụ cày cấy, chăm bón trong vụ đông xuân nữa.
Đón rước dâu thời bao cấp ở quê tôi cũng rất dơn giản và rất vui. Nếu cùng làng, cùng xã thì đi bộ, nếu ở xa, có khi mấy chục cây số thì cũng chỉ có đi bằng xe đạp. Từng cặp thanh niên kể cả cô dâu chú rể đèo nhau, một dãy dài nối đuôi nhau trông thật vui mắt.
Trang phục của cô dâu chú rể cũng rất xuềnh xoàng đơn giản, cô dâu cũng không có trang điểm son phấn như bây giờ. Thời buổi vải vóc phân phối bằng tem phiếu, mỗi người mỗi năm ở nông thôn chỉ được tiêu chuẩn 2,5 mét chỉ đủ may một chiếc áo sơ mi hoặc một quần dài và một chiếc quần đùi. Vì vậy ngày cưới, quần áo cũng chẳng khác ngày thường là mấy. Nếu nhà nào có điều kiện thì cô dâu có đôi guốc mới, áo sơ mi, quần phíp đen, nón lá mới, còn chú rể có khi vẫn đi đôi dép cao su hoặc dép lê quèn quẹt. Thời đó khó khăn thiếu thốn là vậy nhưng ở quê tôi chưa thấy cặp vợ chồng nào ly hôn, họ vẫn sống với nhau hạnh phúc, không những tới lúc đầu bạc răng long mà còn chung thủy tới khi chỉ còn một người trên thế gian này.
Tiệc đám cưới hồi đó gọi là tiệc chay tức chỉ có bánh kẹo, hạt dưa, thuốc lá, nước chè và trầu cau. Thuốc lá thì đám nào sang có Tam Thanh, Nhị Thanh, Trường Sơn, còn chủ yếu là thuốc lá cuốn. Phần nhiều ở nông thôn mọi người hút thuốc lào rít sòng sọc, khói um cả sân. Nước chè thì chủ yếu là chè tươi xanh hoặc chè gói Phú Thọ hay Thái Nguyên loại hai ba hào một gói. Bánh kẹo là loại bánh quy, bánh gai, cứng như củi do HTX mua bán ưu tiên bán cho đám cưới. Sau tiệc ngọt, nhà nào có điều kiện thì làm mấy mâm cơm mời nhà gái và anh em gần gũi, gọi là lại mặt. Món ăn cũng nhỉnh hơn ngày thường, có đĩa gà luộc, miến nấu măng, lòng gà xào giá mướp, xương lợn nấu chuối xanh vv… Thế mới biết thời buổi khó khăn, thiếu thốn, con người ta rất dễ rộng lòng và thông cảm với nhau.
Văn nghệ trong đám cưới thời bao cấp cũng rất vui và sôi nổi. Các ca sỹ là đám thanh niên trong làng với những bài ca đương thời như: Tôi là lê anh nuôi, anh quân bưu vui tính, chuẩn bị sẵn sàng đi chiến đấu, đường cày đảm đang… thỉnh thoảng có đám cũng có những bài hát trữ tình của Liên xô như chiều Matxcơva, Kachiusa và các bài chèo hoặc dân ca quan họ. Các cụ già yêu thơ thì làm những bài thơ lục bát mộc mạc để tặng đôi vợ chồng mới cưới. Các đám cưới đều không có quay phim, chụp ảnh như thời bây giờ.
Qùa tặng đám cưới ở quê tôi hồi đó cũng mang nặng tình người ấm áp “cây nhà lá vườn”. Đến dự đám cưới vui là chính, tình cảm là chính. Quà tặng có khi là nón chè tươi hoặc chục bơ gạo ngon, có khi là cái áo đi mưa, cái chậu thau tráng men hay chục ly thủy tinh. Ông chú bà bác thân thiện, có người còn tặng một lồng mười chú gà con kêu chiếp chiếp. Thời ấy, ở cả thành thị và nông thôn, dường như người ta không đặt nặng câu chuyện đồ mừng cưới nhiều hay ít, có giá trị cao hay thấp mà cái nghĩa cái tình được đặt lên hàng đầu. Đi đám cưới mừng cái gì cũng được, không có gì mừng cũng không sao, miễn là góp mặt trong ngày vui của nhau, thực lòng chúc phúc cho đôi vợ chồng nên duyên sống với nhau đến khi đầu bạc răng long, trọn đời hạnh phúc. Quà tặng đám cưới thời bao cấp ở quê tôi rất đơn giản chân chất như con người của làng quê tôi thời ấy.