HOÀI NIỆM VỀ QUÊ HƯƠNG CỦA NGUYỄN HỮU ĐƯỜNG ( Kỳ 2)

6 phút để đọc

                             KÝ ỨC TẠI SÂN ĐỀN

Sau khi hòa bình được lập lại trên miền Bắc, quê hương tôi cũng như bao miền quê khác đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đáng nhớ.

Hồi đó tôi còn nhỏ, chắc khoảng 4-5 tuổi. Lần đầu tiên tôi thấy dân làng kéo ra sân đền rất đông để đấu tố địa chủ. Những người bị đấu tố và những người đấu tố đều là những người trong làng mình và trong họ mình. Tôi được nghe những danh từ mới lạ như giai cấp, địa chủ, trung nông, bần nông, cố nông nhưng cũng không hiểu gì về khái niệm của các danh từ đó. Có lần tôi đã hỏi thày u tôi về giai cấp, địa chủ, trung nông, bần nông, cố nông là gì. Thày u tôi chỉ trả lời đại khái là: địa chủ là nhà giàu có nhiều ruộng, trung nông thì có ít ruộng hơn, ít giàu hơn địa chủ. Còn bần nông là những nhà nghèo, cố nông thì nghèo lắm, nghèo hơn cả bần nông. Địa chủ và trung nông là thành phần không tốt, chỉ có thành phần bần nông và cố nông là tốt, càng nghèo càng tốt. Sự giải thích của thày u tôi về giai cấp đã tạo cho tôi một ấn tượng khó quên. Đó là khi tôi học hết lớp bẩy phổ thông, làm bản khai lý lịch để xin đi học trung cấp hay đi thoát ly, phần khai về hoàn cảnh gia đình phải có câu: “thành phần gia đình là bần nông, cha mẹ quanh năm đi làm thuê làm mướn, không có một tấc đất để cắm dùi. Về quan hệ gia đình thì ông bà nội ngoại, cô dì chú bác không có ai liên quan đến đế quốc phong kiến. Về bản thân thì được sinh ra và lớn lên trong chế độ mới, được giáo dục trong mái trường xã hội chủ nghĩa nên bản thân rất ham cầu tiến bộ”… Đã hơn 50 năm trôi qua, bây giờ nhìn lại một thời kỳ do lịch sử để lại đúng là ký ức khó quên.  

Vào những năm 1958-1960, tiền đường của đền là nơi hội họp của làng. Có hôm là buổi họp hay văn nghệ của thanh niên, có hôm là lớp học bình dân học vụ xóa nạn mù chữ hay lớp học vỡ lòng. Thày giáo của lớp là những người trong làng, bàn học là cánh cửa của đền gỡ xuống, học sinh ngồi bệt xuống sàn nhà. Tôi vẫn còn nhớ hồi đó, phần trung đường là nơi cung cấm, cửa đóng quanh năm, chỉ có một cửa nhỏ bên hông phía Đông để cụ từ ra vào thắp nhang vào ngày rằm, ngày mùng một hàng tháng và mấy ngày tết. Gian phía Đông của tiền đường có khoảng 4 đến 5 cái quá giang bằng gỗ lim đen bóng như sừng và một bộ giá khiêng kiệu đầu rồng, sơn đã bị bong tróc loang lổ. Phía Tây tiền đường có một con ngựa gỗ sơn màu mận sẫm, đứng cao bằng đầu người tôi hồi đó nhưng cái đuôi thì không còn. Bên cạnh con ngựa gỗ, sát góc tường còn có một cỗ kiệu long đình và cái giá để treo quả trống. Tất cả những thứ đó sau này được chuyển để vào trung đường, bộ giá khiêng kiệu đầu rồng thì được các cụ mang ra làm xe đưa đám ma, những cái quá giang thì được đưa lên xã để làm cầu qua sông Sy. Hồi bấy giờ việc cúng lễ hay sinh hoạt văn hóa tâm linh đều bị coi là mê tín dị đoan và bị cấm. Tiền đường và sân đền trở thành kho và sân làm lúa của hợp tác xã.

Tường bao của sân đền và bệ tế Thần Nông đã bị phá hết để mở rộng sân cho đội Chùa làm lúa ngày mùa. Tiền đường của đền thì dùng làm nơi xay sát lúa cho HTX Liên Hào (Gồm làng Hồ Sen và làng Cựu Hào), có khi còn làm nơi gieo mạ nữa. Tường bên ngoài của trung đường và tiền đường chỗ nào hồ không bị bong tróc thì được quét vôi trắng để viết khẩu hiệu như: Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ. hoặc những câu ca dao thời mới như: Nhớ câu hợp tác là nhà, xã viên tất cả đều là chủ nhân hoặc là Hoan hô các cụ trồng cây…

Kể từ khi có HTX, sân đền rất nhộn nhịp khi ngày mùa đến hoặc ngày tết đến. Tôi vẫn còn nhớ mãi cảnh chia thịt lợn ngày tết hồi đó. Vào ngày 28 hoặc 29 Tết, HTX mổ lợn để phân phối cho mổi gia đình, tùy theo nhân khẩu, từ một đến hai cân gồm thịt và xương. Sân đền được trải lên bằng những tàu lá chuối lớn và lành lặn để chia thịt. Mổ lợn và chia thịt là những xã viên khéo tay và có kinh nghiệm vì phải chia làm nhiều phần, làm sao phải chía cho đều và công bằng. Cảnh chia thịt hồi đó ở sân đền vui lắm giống như ngày hội làng vậy. Trẻ già í ới, mang rổ đựng thịt, mang nồi đựng nước suýt, ai ai cũng hồ hởi vì sắp được một bữa ăn tươi.

Kể từ năm 1970 tôi bắt đầu sống xa quê, mỗi lần về quê tôi lại thấy cảnh đền làng ta lại khác xưa. Hai cây bàng như hai cây dù khổng lồ như tượng trưng cho nơi linh thiêng che chở, trấn giữ cho cả làng không còn nữa. Hồ nước trước đền đã bị thu hẹp và bị chia cắt thành con mương từ Tây sang Đông, cây sy cổ thụ được thay thế bằng một cây mới nhỏ hơn. Tất cả sự thay đổi này làm tôi lại càng nghĩ đến cảnh đền làng ngày xưa. Các cụ xưa đã chọn vị trí để xây dựng đền là nơi có thế đất rất hợp phong thủy mang ý nghĩa “tụ thủy thịnh mãn”, “tứ thủy giao lưu đăng đàn tiến sỹ” cho cả làng.

Theo thời gian, qua bao biến động của lịch sử, mặc dù cho vật đổi sao rời nhưng trong suy nghĩ của tôi vẫn đinh ninh rằng mọi sự thay đổi không thể nào cưỡng lại được quy luật của tạo hóa. Khi đời sống vật chất của người dân nói chung và của nhân dân làng ta nói riêng được nâng cao thì đời sống về tinh thần lại càng được nâng cao. Tôi vẫn tin rằng biểu tượng đặc trưng “Cây bàng bến nước ngôi đền” của làng ta sẽ được khôi phục, bảo tồn và phát triển. Công việc bảo tồn và phát triển đời sống văn hóa và biểu tượng đặc trưng của làng là thể hiện tấm lòng biết ơn của con cháu hôm nay đối với tổ tiên. Bởi vậy trong tâm khảm của mỗi người con làng Cựu, dù đi đâu, về đâu, quê hương vẫn là mẹ hiền là nơi khởi nguồn, hun đúc là điểm tựa cho sức mạnh tinh thần để bước tiến tới tương lai.