MÙA HẠ CŨ
Mùa hạ ơi, mùa hạ cũ đâu rồi
Nơi tứ thủy giao lưu ngàn sóng vỗ
Bông phượng vĩ soi vào trang sử lửa
Gọi những thanh xuân vì nước không về
Dạo đầu hè, nương theo kênh Đường Núi, hắn xuôi xuống sông Đào. Thời gian khiến đồng đất đã khác, làng xóm cũng khác. Cây phượng còn đó, già lắm, đương mùa hoa, đám đỏ rực trên cành, đám rụng xuống, leo lét cháy trên sóng nước. Bạn hắn, chàng Mai-a, ra đi từ đây. Chiều muộn, mưa bóng mây, phía bên kia cơn giông nhỏ, hướng quân đi, đang rộ súng phòng không. Chiếc ca nô vừa khuất vào một khúc quành, bến sông thêm một người. Đứng trên gò cao, cô gái vừa thở vừa vẫy tay. Áo cánh màu thiên thanh, mười bảy hay mười tám, rám nắng, tóc dài…
Mai-a, bạn hắn. Cùng xóm, cùng lớp, cùng những trò chơi, lắm khi quá đà, dại dột. Hắn khoái đọc sách, mê nhất truyện trinh thám, dã sử. Đọc quên học, quên luôn việc mẹ giao. Mùa hè nhễ nhại mồ hôi, bếp rơm món tắt món cháy, bàn tay đen nhẻm không quên lần giở những trang sách. Đọc rồi kể cho bạn bè trên đường đến lớp, trên cồn bãi chăn thả trâu bò. Có những đoàn quân trăm vạn từng đi đổ rừng sạt núi bị đối phương lập mẹo, đánh bại trong trận lửa. Thằng Mai-a nghe, sướng rơn, cười ngất bảo, kiếm chỗ nào nổi lửa cái chơi. Ờ, ờ. Bày trận giả đánh nhau đã nhiều, nhưng hỏa công thì chưa. Với lại, quê mình sông bé tẹo, không rừng, không núi, lấy gì củi lửa. Gã bạn trề môi, khó mới phải nghĩ. Ừ, thì nghĩ. Sáng đi học, chiều chăn bò, bụng dạ luôn nghi ngút khói lửa, gươm đao, vó ngựa, cung tên. Ngẫm nghĩ lâu, hóa ra cũng mệt, mẹo hỏa công chưa chịu mọc trong đầu, bèn chơi trò đua bò. Mai-a cưỡi con Khoang, hắn trên lưng con Đen, hướng cồn Chùa thẳng tiến. Lúa chiêm vàng dưới nắng. Cồn Chùa rộng rãi, bò được tự do, bọn hắn cũng tự do. Mải đánh khăng quên phứt mọi chuyện, thốt nhiên nghe bên kia kênh Đường Núi náo loạn. Kênh ấy, rộng chừng mươi sải bơi trẻ con, từ phía núi Hổ, đổ về. Hai chiến mã, con Khoang và con Đen đã vượt sang đất Nam Bình. Đất ấy đồng cát, cao hơn chân ruộng làng hắn một bậc, gặt sớm, cỏ đã phủ đầy bờ. Quân Nam Bình ba thằng, lau nhau như bọn hắn, hùng hổ rượt đuổi Khoang và Đen. Đã nhiều phen hai bên kiếm cớ chọi nhau, khi thắng khi thua, một trò nghịch ngợm hơn là những thù hằn. Hắn súng cao su, thằng Mai-a quật đất bờ kênh, đấu lại. Đất cát rào rào. Được một lát, Mai-a bỗng ghé tai hắn. Rút! Không thèm đánh trận này nữa. Rút thì rút, cả hai vượt kênh, về đất làng. Thằng Mai-a bảo, mày thấy những gồi rạ chứ. Ừ, thấy. Mấy nắng nữa rơm rạ sẽ khô nỏ hết. Hỏa công ở đấy, thằng Mai-a cười tít, chỉ chờ gió thôi. Ngẫm nghĩ một lúc, hắn bảo, chuột và dầu. Không có gió cũng được, chỉ cần chuột và dầu.
Ôi, chuột và dầu! Dầu hồi đó cực hiếm, dân quê, mỗi nhà một cái đèn hoa kì bé tẹo, chỉ dám lo ló sáng lúc chập tối, ăn cơm hay dọn dẹp. Bọn trẻ phải học đêm, căng mắt đọc, lúc nghĩ ngợi thì vặn nhỏ lại, đỡ tốn dầu. Nhà hắn và nhà Mai-a, hai cái đèn cóc gặm khô bấc đã lâu. Dù vậy, để bày trận hỏa công, bọn hắn vẫn có thể kiếm được một chút ở đâu đó, ăn trộm ý mà, trong nhà bà con, hàng xóm. Nhưng trạm bơm của hợp tác xã trên sông Hạ Vạn, gần miếu Thổ thần, dạo ấy có dầu. Trạm bơm, thực ra là cái lều cho người trực máy tá túc, bằng tre nứa, lợp rơm rạ, khum khum, một nửa trên bờ, một nhoài ra mặt sông, gần lối bọn hắn đi học hằng ngày. Đêm ấy máy bơm không chạy, hai thằng phởn chí mò đi. Gần đến nơi, bỗng nghe tiếng động trong lều, tiếng người, tiếng tre nứa khọt khẹt. Mai-a bò vào sát vách, rồi trở ra, thì thào mẹo mực.
Đoạn hắn trườn đi, một chốc nghe đất lăn bùm bũm xuống sông, lúc thưa lúc mau. Trong lều vọt ra hai bóng người. Bịch, bịch… bũm, bũm… một bóng oắt con vụt nhô lên, rồi biến mất. Rào, rào, rào… hai bóng người lớn đuổi theo. Bịch, bịch, bịch… vẫn là đất vụt lại… Bước chân người lớn xa hơn. Hắn lẻn vào lều. Chai dầu, là một chai dầu thải, vẫn đặt ở chỗ cũ, trong góc, mớ giẻ rách lau máy phủ lên trên. Hắn vừa ra khỏi lều thì máy bay. Dạo ấy thỉnh thoảng Mĩ đánh đêm, chặn phá đường giao thông nối Nam Định - Ninh Bình. Đạn cao xạ nổ đỏ trời, mảnh gang réo gió, cắm đất phầm phập. Những bước chạy trở lại lều mỗi khắc một gần, hắn trườn xuống sông, núp trong nước, dưới chân lều. Súng đã lặng, trận chiến phòng không thời ấy thường vậy, thình lình đột khởi rồi tắt ngấm rất nhanh. Đêm hè màu tro, nhờ nhợ sáng, hắn biết anh chị nào vừa trở lại. Tiếng người con gái tiếc nuối tấm áo trắng mới may phải nhuộm màu xanh phòng không. Im lặng. Rồi tiếng tre nứa ghẹo nhau, chậm rãi rồi hối hả. Có cách nào đó khoái thú hơn lời chia sẻ an ủi chăng. Chuyện rồi sẽ hay lắm đây, hắn nghĩ, nhưng tiếng chim cuốc, là thằng Mai-a giả giọng, gọi ời ời ngoài miếu Thổ thần. Thật khẽ khàng, hắn rẽ nước, bơi đi.
Xong việc chai dầu, ba ngày sau, lo chuyện bắt chuột. Hì hục đào, bới, hun khói, kết thúc vẻ vang, bắt sống năm tên chuột đồng. Đang định khởi sự thì mưa, mưa nhỏ thôi, nhí nhách, kiểu mưa dầm. Phải cầu nắng thôi, mày! Mai-a trẩy một quả mít vườn nhà, hắn vặt sung hàng xóm, cả quả xanh lẫn quả chín đầy hai vốc tay, kèm gáo dừa nước mưa, trải lá chuối, đặt lễ ngoài hiên. Đền thờ một vị tướng, cầm quân chặn giặc biển, thác ngoài cửa Thần Phù, mạn Ninh Bình-Thanh Hóa, dân tôn làm thành hoàng đã mấy trăm năm. Đêm, ve sầu từng chập, lúc mau lúc thưa, lẫn trong lắc rắc tiếng mưa. Mai-a, quần chùng áo dài, khăn đỏ thắt lưng đỏ, thủ cây gậy, giả một món binh khí của bộ bát kích trong đền. Khói hương mù mịt, mưa lất phất, hắn né vào góc thềm, khoái chí nhìn bạn. Mai -a vừa múa, vừa hát, vừa khấn. Nó cầu trời, cầu Phật, cầu cả vị tướng quân-thành hoàng làng. Vậy mà nắng lên thật, nắng liền ba bốn ngày. Đời tươi thế chứ lị. Bọn hắn dông bò vào cồn Chùa, chăn thả chơi bời như mọi khi. Tối sập, hai thằng vượt kênh Đường Núi, sang đất Nam Bình. Đồng áng vắng tanh, giờ hành sự đã điểm. Hắn mở cũi, Mai-a quẹt lửa. Mấy chú chuột đồng được thả, cuống quýt lao ra. Lửa, từ đuôi nối giẻ rách tẩm đẫm dầu vừa bén, từ gồi rạ nọ sang gồi rạ kia, nối vào nhau, tràn ruộng này sang ruộng khác. Cả cánh đồng phút chốc rừng rực lửa. Phen này dân Nam Bình lấy tay làm củi nấu cơm đây. Một lát bỗng dưng trời nổi gió, gió to dần, tàn lửa có thể táp sang đồng đất Cự Hà. Thằng Mai-a chợt buồn, hắn cũng không thể vui thêm. Trên lưng con Khoang và con Đen, hai thằng thủng thẳng về làng, bụng nghĩ đến cây rơm ở nhà đã trơ nền. Ngày ấy rơm rạ xứng đáng một món của cải ở thôn quê. Lợp nhà, ngày ba lần đỏ lửa, trăm thứ lặt vặt khác trông cậy vào đấy cả. Nhà ông có đống rơm to/ Có cô gái lớn chưa cho lấy chồng. Câu ca xưa ở làng hắn đấy. Lại nghe, nhiều cô gái về nhà chồng, cha mẹ cho chục gánh rơm làm của hồi môn. Bây giờ khác lắm, dân nhà quê như hắn, cũng bếp ga, bếp điện, bếp từ. Lẻ tẻ dăm nhà tiếc của, dựng cây rơm làm lương khô cho trâu bò, phòng khi mưa gió. Gặt máy, thóc lúa chất lên xe công nông chở về nhà, rơm rạ bỏ đó, bữa nào khô nỏ tặng một mồi lửa. Xong um.
Hắn ra đồng, dương máy ảnh “nháy” vài kiểu, phô trên Facebook, ý nhắn với bà con xa quê, làng mình giờ thế đó. Khói đốt đồng váng vất, hắn chạnh nhớ đến Mai-a. Mai-a, đấy không phải tên thực bạn hắn. Anh trai, chàng kỹ sư luyện thép ở Thái Nguyên, mê văn học Liên Xô, gọi cậu em út theo tên một nhà thơ Nga, thơ ông ấy rất hay xuống dòng. Là nghe nói thế, bọn hắn học lớp ba, nào biết Mayakovsky là ai. Anh kỹ sư luyện thép mê lối thơ xuống dòng nhập ngũ hồi đầu năm. Bốn năm sau, Mai-a học hết cấp hai, thiếu một tháng rưỡi mới đầy mười bảy tuổi, khai man lên mười tám để lên đường rồi hy sinh ở Kon Tum cuối năm ấy. Nghe nói, trận đó là một kịch chiến tại đầu nguồn một dòng sông. Ngày bạn đi, hắn tiễn chân ở bến sông này. Chiếc ca nô chở quân đã thấp thoáng ở một khúc quành, bến sông thêm một người đưa tiễn. Là cô gái áo cánh màu xanh, cô ấy vẫy tay, vẫy nhiều lắm. Maia, bạn có thể quên rất nhiều thứ, nhưng chắc chắn bạn đã mang theo tấm thiên thanh nọ đến tận chân trời!
Hắn trở lại sông Đào. Cuộc viếng thăm một mảnh mùa hè, tưởng mỏng manh mà bền chặt, khiến lòng hắn vừa ấm áp vừa thoáng chút xót xa. Mưa rừng Tây Bắc liền mấy ngày, bến sông đồng bằng đang nắng mà ngờm ngợp sóng. Cây phượng già bắt gió, cánh lửa bay lất phất giữa chiều tà.
Mùa hạ ơi, mùa hạ cũ đâu rồi
Phượng cháy rực sông chiều tóc bạc
Bạn nằm lại ở đầu nguồn nước xiết
Sóng vô hồi vỗ một bến bờ tôi!
-
ĐVN