MA LÀNG
Làng tôi thuở ấy đầy tre. Tre dựng thành lũy bao bọc lấy làng, chừa bốn cổng mở ra bốn hướng, đường làng ngõ xóm đâu đâu cũng tre. Tre ích lợi nhiều bề. Cùng với cây cối, vườn tược, ngõ xóm, ao hồ, tre còn đẻ ra ma. Nhiều ma lắm, như lời u tôi.
Nhà tôi ra nhà ông ngoại chỉ ba tầm đạn súng cao su, lối đi cắt vuông hình thước thợ, đôi bên dày đặc tre, mây và ruối. Tối, tôi muốn ra nhà ngoại chơi một mình, u thường bảo, ông ba bị đang chỗ đấy, chỗ đấy. Tôi vâng dạ, mắt trước mắt sau, vắng người lớn là lẻn đi, ra khỏi cổng vừa háo hức vừa chờn chợn, dò dẫm từng bước, mỗi đêm một đoạn, hôm nào có người lớn đi qua, dấn theo được mấy bước. Ngày hôm sau xem lại; à, cái đám lù lù đêm qua hóa ra là bụi ruối vườn nhà cụ Phú; cạnh cây rơm nhà bác Hội, ở giữa cái khe lờ mờ với mái bếp, hai tàu lá chuối khô giờ vẫn khe khẽ đung đưa…Đêm mai, đêm mốt… Cứ thế, sau mỗi đêm sự sợ hãi bé lại, niềm khoái thú lớn lên, chừng hơn tháng sau, ban đêm tôi một mình ra ông ngoại, vượt qua bẩy khóm tre, chín cây rơm, hai mươi mốt cây ruối, ba lần ngờ vực, ba lần phóng phi tiêu, gạch vỡ thăm dò. Không một ông ba bị, bà ma trơi nào hết. Bà ngoại tôi lúc đó chưa bị lòa, thưởng một củ khoai nướng, cõng về cho u luôn trong đêm. Dặn, đừng đánh thằng bé, phải tội, cháu nó mồ côi. U đón tôi, đặt xuống chõng, gấp cái áo cũ của thày để lại, làm gối, thoáng một tiếng thở dài. Tôi vờ ngủ trên lưng bà từ ngoài ngõ, nghe hết, thấy hết…
Vuông đất cũ đổi chủ vài lần, ông bà ngoại về giời đã lâu, người ta xây tường rào vườn, chặt vãn cây cối, đèn điện canh đường suốt đêm. Làng xóm hết ma, người lớn dọa trẻ con, cu Tít không chịu ăn, ông ộp bắt, bán đi Trung Quốc. Mấy bác hàng rong, người xe đạp, kẻ xe máy, lắm khi cả bác tài ô tô nữa, thành ông ộp bà ộp hết. Cháu gái tôi đang học Mầm non, gọi điện về dặn, ông ngoại không được ra ngõ chơi một mình đâu nhé, nhiều ông ộp lắm đấy.
Hầy zà, lại là mẹ con dọa con, phải không Nhím!
***
Trở lại chuyện ngày xưa. Tôi chơi thân với thằng Đoàn và thằng Ký, ngõ vào nhà chúng nó, chạy dọc vườn nhà bác tôi, vòng vèo, hai bên, chỗ thì tường đất dày đặc cây xương rồng gai, chỗ mây và ruối, nhiều nhất là tre trúc, ban ngày rợp bóng cây, tre thường nghiến răng kèn kẹt, chập choạng tối trở đi, đom đóm bay lập lòe dưới ao, ngoài vườn vào cả trong sân trong nhà, tràn ra đường. U tôi nói, ngõ ấy đầy ma, sợ nhất là ma bập bênh, nó thích câu người trên ngọn tre, ném lên giời, bà nội với bác con bảo vậy.
Tôi hỏi, bà nội suỵt suỵt, nhả bã trầu giơ lên, lưỡi ma nó đỏ thế này này, dưng mà to, ừm…dài như cái đòn gánh.
Tôi hỏi bác gái, bác trợn mắt, suỵt suỵt dài hơn cả bà nội bảo, nó còn quẳng xuống ao, chậc chậc, cho ma trơi chui vào lỗ mũi, ma đỉa đục thủng tai- bung bung bung bung, mãi mới quăng lên giời. Tôi đánh bạo hỏi, bác vẫn đi câu đêm, làm sao ma không biết. Bác kéo tôi lại gần, thì thào, nói nhỏ thôi, nó tinh tai tinh mắt lắm.
Hỏi chị gái, chị dâu, ai cũng lè lưỡi lắc đầu, chị hãi lắm, tối chẳng dám đi đâu…
Tôi hỏi Đoàn và Ký, cả hai thằng đều rụt đầu rụt cổ, có lẽ chúng cũng như tôi, nửa tin nửa ngờ. Bữa trước chúng tôi định lừa bọn xóm Chùa vào ngõ ấy, chơi một trận trả thù. Ngõ ống quen thuộc của chúng tôi, sâu hun hút, lại vòng vèo, bít bùng cây, bọn xóm Chùa lọt vào đó, có chạy đằng giời. Mỗi tội ngõ ấy nhiều ma quá. Ma, ông cóc cụ còn hãi nữa là. Ba buổi trưa, ba thằng ngồi bên nhau không nghĩ ra được trò gì, buồn rũ. Trưa thứ tư anh Thự về, anh là con bác tôi, học ngoài thành phố Nam Định. Hỏi, anh thì thầm, hết ngày nghỉ, anh đi. Năm đêm liền, ba thằng tôi đi đi lại lại từ đầu ngõ đến cuối ngõ, chỉ thấy những thứ mọi người vẫn thấy- tre vặn mình vì gió, đom đóm như sao sa, chó vờn nhau chạy sùng sục trong vườn, trâu bò chồn chân gõ móng bồm bộp, lũ mèo vờn nhau, chạy ràn rạt trên mái rạ. Để cho thật chắc ăn, chúng tôi canh chừng thêm hai đêm nữa, lần này đến tận rạng sáng. Chẳng ma quỷ gì hết ! Một đêm nọ, chúng tôi khiêu chiến, bọn xóm Chùa hùa nhau xông vào, sục sạo không thấy tăm hơi bọn cần tìm, bèn quay ra. Thình lình những bồ tro trên cao úp xuống, đất cát hai bên vụt tới tấp. Thấy động, người lớn xô ra, hô hoán và gậy gộc, quân xóm Chùa càng núng thế, mạnh thằng nào thằng nấy chạy. Thằng Thực, thủ lĩnh bị một cây tre vít sát mặt đất bật lên trúng bẹn, trượt ngã xuống ao, lại vướng bờ bụi, lúng nhúng hồi lâu mới lên được. Quân tướng xóm Chùa về đến sân đình, bọn chúng tôi đã ở đó, tỉnh queo.
Chuyện đã hơn năm chục năm. Cái ngõ ấy bây giờ mở rộng, bớt ngoắt ngoéo, xe bốn chỗ vào được. Đoàn, Chư đi bộ đội, đều nằm lại không về, Ký cũng đã là người của ngày xưa… Giờ tôi vẫn nhớ, cái đêm đánh trận trẻ con, có một gã đom đóm cực to, chui vào mớ tóc bù xù của Thực, nửa đêm về sáng mới bò ra, lập lòe, lập lòe…Mẹ Thực thức giấc, kêu ầm lên… Chậc chậc, còn cái sẹo ở bẹn, bữa nào phải hỏi Thực, hồi mới cưới nhau, mụ vợ ranh mãnh của hắn có tra khảo gì không!
***
Vẫn chuyện ngày xưa.
Tôi bị ma trơi đuổi một lần.
Buổi học sáng hôm ấy bị hoãn sang chiều, tan lớp về nhà, tôi vẫn dắt bò đi chăn. Chiều mát, bò ham ăn, mặt trời đủng đỉnh…Phía cuối cồn, quê tôi gọi nghĩa địa là cồn, từ một ngôi mộ thình lình nổi lửa, giống lửa đom đóm. Làng tôi ai cũng biết chuyện ngôi mộ ấy, đồn thổi lâu rồi, mộ một người vô gia cư. Người bảo là dân buôn bán bị cướp, người bảo chính là tướng cướp bị đám thảo khấu đàn em phản chủ, vốn chạy nhanh như gió mà không tránh nổi đòn thù. Chuyện thực hư chả biết đường nào, nhưng lửa cháy thì thật, từ ngôi mộ ấy. Xanh xanh, đỏ đỏ, vàng vàng…Tôi phốc lên lưng Xích Thố, ra roi chạy, đang học lớp ba, vừa xơi xong Tam Quốc, tôi gọi con bò lông tía đốm trắng của tôi như vậy. Xích Thố khỏe và ngoan, phóng như bay. Chập chờn, vùn vụt ngọn lửa phía sau. Ù ù gió, tôi ôm chặt cổ bò, cúi rạp mình. Về đến đầu làng, người lớn đang tắm rửa giặt giũ dưới hồ, túa đến. Hoàn hồn, tôi và bò đua nhau thở hồng hộc. Phía sau, nơi tôi vừa chạy thoát, ngoài đám bụi mỏng trên đường, và xa hơn, mặt trời đang lặn đỏ tía ria, chẳng còn nom thấy gì nữa. Thằng Mai bảo, ma trơi đấy, đét sợ. Mà này, mày có thích làm…ma không, hôm nào tao với mày thử phát, nhỉ ! Nhân tiện kể luôn chuyện đọc Tam Quốc. Anh Thự tôi kiếm ở đâu đó được tập truyện về đại trận Xích Bích. Tôi đọc ké, mê luôn, buộc phải lần tìm, đọc tiếp. Sách vở thời ấy cực hiếm, nếu có cũng chẳng moi đâu ra tiền mà mua. Hỏi bất cứ ai nghĩ là họ có sách. Người cho mượn, nhiều bận hẹn từng giờ, phải đọc cả trưa, có bữa thâu đêm. Nhà quê thời đó ngay cả trong mơ còn chưa với tới đèn điện, dầu hỏa còn cực hiếm, tôi với vài đứa nữa, bắt đom đóm nhốt vào ống tiêm, soi từng dòng, nhiều chỗ đọc sai bét.
Đọc truyện dã sử rồi bày trận, lắm phen trận giả thành sự hãi hùng thật. Đấy là một tối, tôi và Mai bơi ra đảo giữa hồ, định làm ma nước dọa bọn ngủ đêm ngoài sân đình. Đảo, là nói vống lên cho oai, nó thực là ụ đất lớn vồng lên giữa hồ, rộng chừng ba chục thước vuông, một cây si lớn rễ chằng rễ chịt, trùm kín mít. Đêm ấy ở đảo, hai thằng, dắt mấy ống tiêm đầy đom đóm sắp sửa bơi vào, bỗng nhờ nhờ một bóng, nhấp nhô bên bến tắm nữ, tiếng khỏa nước bùm bũm, nghe rất vui tai. Ma! Ma ? Ồ, không. Là chị Nga ! Chị Nga năm đó mười chín tuổi. Đẹp, và kiêu. Chị bảo, bọn trai tráng trong làng đều dưới tầm mắt chị. Hôm nay cho con Nga một trận, Mai bảo. Tôi hỏi, đánh trận à. Mai xì mũi bảo, xem cái ngã ba kia của nó thế nào, có giống như của mày mí tao không, chứ trận địa cóc gì. Tối mù tối mịt, xem gì mà xem? Mày ngu bỏ mẹ, mắt không xem được thì… tay xem.
Tôi ngồi thu lu bên gốc si. Mai một mình đẩy nước, luồn đi. Một lúc trong bờ, cách chỗ chị Nga tắm chừng vài chục thước, một bóng đen đen lao xuống nước, cùng lúc tiếng gào khóc váng lên. Chốc lát sau, từ sân đình, khắp bờ hồ, từ các ngõ đổ ra, người và đèn, ồn ã, sáng trưng lên.
Không phải ma. Là bà cụ Nụ, lần thứ hai hay thứ ba, giận con mà trẫm mình. Chỗ đó nước chỉ quá đầu gối, không đuối nước được.
Đêm ấy về, hai thằng tôi chui vào bếp nhà Mai nhóm lửa luộc sắn, hắn khoe tay hắn đã nhìn thấy cái ngã ba đó đó của chị Nga. Trắng, như thế này này, hắn vuốt vuốt củ sắn vừa bóc vỏ, trắng bóc. Bốc phét, trời tối, làm sao tay hắn nhìn thấy trắng với đen được. Mai cười khơ khơ, mày nhóc con, nhát như cáy ngày, biết đét gì.
Thoắt cái đã mấy chục năm … Xuân Mai mãi mãi mười tám tuổi rưỡi, ở Trường Sơn. Chị Nga, Nguyễn Vân Nga, rốt cuộc không chồng con với trai làng, đem tấm thân tươi rười rượi làm vợ đàn ông xứ người. Tháng trước tìm được hộp thư điện tử, hôm nào nhạt miệng, có nhẽ tôi phải “meo” một nhát, đùa chị đôi câu.
ĐVN