VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG THẦN LINH TẠI ĐẤT THIÊN BẢN
Nhà giáo , nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Văn Tam quê ở Vụ Bản Nam Định là người say mê nghiên cứu lịch sử địa phương đi vào thực tế sưu tầm các tư liệu văn hóa dân gian , Đền từ , Miếu mạo , các thư tịch cổ từ những năm 1965 . Ông đi sâu vào nghiên cứu các đề tài như “Thiên Bản lục kỳ”, “Trạng nguyên Lương Thế Vinh”, “Thánh Mẫu Liễu Hạnh”…, để làm cơ sở đi sâu khai thác tài liệu thực tế thỏa niềm đam mê của chính mình và sức hấp dẫn cùng cộng đồng , dân tộc . “ Thiên bản lục kỳ “ là cuốn sách nói về 6 sự kỳ lạ trên đất Thiên Bản do cụ Nghè Nguyễn Văn Tính biên soạn trong đó Thánh Mẫu Liễu Hạnh là 1 trong 6 sự kỳ lạ đó . Từ việc nghiên cứu về đề tài “ Thiên Bản lục kỳ “ Ông đã đi sâu vào nghiên cứu tác giả của cuốn sách , vì vậy nhiều năm ông gắn bó với người dân Cựu Hào , với các cụ Lão niên , với dòng họ Nguyễn Đại tộc lục chi để tìm hiểu về Cụ Nghè Nguyễn Văn Tính .
Nguyễn Văn Tính là hậu duệ đời thứ 14 của dòng họ Nguyễn Đại tộc lục chi Cựu Hào , một dòng họ mà Cụ tổ của họ năm 1492 đã dời bỏ mảnh đất đô thị phồn hoa Hà Nội về lập nghiệp tại Cựu Hào .Theo cách nhìn của Cụ , của một nhà nho uyên thâm về phong thủy thì nơi đây chính là mảnh đất “ Địa Linh “ thì ắt hẳn sẽ sinh ra “ Nhân kiệt “ , từ trước tới nay chưa có “ Nhân kiệt “ xuất hiện thì “ Nhân kiệt “ sẽ xuất hiện trong tương lai , nên cụ dạy dỗ con cháu theo hướng tạo ra con người tài đức cho cộng đồng , xã hội . Và cũng đúng như tiên tri của Cụ , dòng họ Nguyễn Cựu Hào đã sản sinh ra nhiều “Nhân kiệt “từ mảnh đất “ Địa linh “ này như các Cụ : Nguyễn Nho đời thứ 8 là Quan sứ Đồn điền chốn Lạng Giang ( Lạng sơn và Hà tiên ngày nay ) , Nguyễn Sưởng đời thứ 10 – Quan Tả mạc triều Hậu Lê , Nguyễn Thuyên đời thứ 12 – Quan Tế tửu Quốc tử giám triều Nguyễn , Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ Nguyễn Văn Tính đời thứ 14 – Tri phủ Quảng Oai ( Sơn Tây , Hà nội ngày nay ) rồi làm Đốc học Hải Phòng .
Theo lời kể của các bậc phụ lão làng Cựu Hào mà nhà nghiên cứu lịch sử Bùi văn Tam ghi lại năm 1977 tại Đền làng : Ngày Vinh quy bái tổ dân làng Cựu náo nức ra đầu làng đón Vị tiến sỹ đầu tiên của làng ( được tính từ khi hình thành làng Cựu , hàng ngàn năm nay ) . Khi đám rước đi đến cổng làng Quan Nghè ra lênh dừng lại , Quan rời võng chỉnh đốn khăn áo , rồi đứng dậy thi lễ chào dân làng . Cụ tiên chỉ và lý trưởng làng Cựu đã đến trước quan, nói lời chúc mừng quan lớn đã thành đạt, là vinh dự tự hào cho dân làng Cựu. Các vị chức sắc và dân làng đều hoan hỷ cười nói những lời chúc mừng. Quan Nghè khiêm tốn chắp tay vái tạ mọi người, từ tốn nói:
“Được như ngày nay chính là nhờ phúc ấm của thánh thần, tổ tiên ban cho, được dân làng giúp đỡ, động viên, được các bậc sư biểu dạy dỗ tận tình. Tôi xin thành thật cảm tạ ân tình của các vị. Bà con vui vẻ ra đón như thế này, lòng tôi rất cảm kích. Xin bà con hãy cùng tôi về đền làng để lễ tạ các bậc thần linh, tiên liệt.”
Các vị chức sắc đều cung kính mời quan Nghè lên võng về làng nhưng quan nghè từ chối, vui vẻ đi bộ cùng mọi người về đền làng. Tới nơi, quan Nghè vào đền, sửa sang lại mũ áo rồi cùng các cụ tiên chỉ, chức sắc lần lượt khấn lễ thành hoàng làng và các vị thần linh. Bà con đứng nghiêm chỉnh ngoài sân đền cùng dự lễ.
Qua chi tiết lịch sử này , chúng ta thấy Quan Nghè Nguyễn Văn tính hiểu rất sâu sắc thành quả mà Quan đạt được chính là sự kết tinh , đâm chồi , này lộc từ mảnh đất “ Địa linh “ . Nơi mà Thành Hoàng làng và các vị thần linh cư ngụ , ngày đêm phù trợ , bảo vệ cho người dân của mình . Chính vì vậy việc đầu tiên của Quan Nghè về Đền lễ tạ thần linh . Quan Nghè Nguyễn văn Tính đỗ đạt cao nhưng chưa từng tự phụ vào tài trí của mình. Ngược lại, càng công thành danh toại, ông càng hết mực cảm tạ ơn đức của thần linh, tổ tiên, ơn dạy dỗ của ân sư, ơn dân làng đã giúp đỡ cho mình
Quan Đốc Học Hải Phòng Nguyễn Văn Tính là người theo chủ nghĩa yêu nước nên mâu thuẫn, đối địch với nền giáo dục nô dịch thực dân của Pháp. Sau nhiều lần đề nghị cải tổ lại nhà trường nhưng đều bị bác bỏ, Ông đã cáo quan về làng . Cáo quan về làng có nghĩa là từ đây ông không còn lương bổng gì nữa. Từ một học trò dùi mài đèn sách đỗ đạt vị trí Tiến sĩ, trở thành quan Đốc học đang có tiền đồ xán lạn; vậy mà ông Tính lại sẵn sàng từ bỏ tất cả mọi hư vinh để có thể sống trọn vẹn với tình yêu quê hương, đất nước. Trước đây Ông ra làm Quan với mục đích rằng “ Mình có địa vị , tiếng nói , trong xã hội thì sẽ bảo vệ được nhân dân mình , bảo vệ được nền văn hóa truyền thống của dân tộc mình “ nhưng vì hoàn cảnh xã hội lúc đó ông không thể làm được điều đó , nên ông đã cáo quan về làng để mưu đồ việc lớn cho quê hương đất nước . Vì là một nhà Văn hóa , nên ông hiểu tầm ảnh hưởng của nó với con người , xã hội to lớn như thế nào . Văn Hóa truyền thống của dân tộc ta tồn tại hơn 4000 năm , bắt đầu từ tín ngưỡng thờ cúng Trời , Đất , Thần , Tiên , rồi hình thành việc thờ cúng Thành hoàng , Thần Thánh : Đền , Phủ , Miếu mạo , rồi thờ cúng Tổ tiên : Từ đường , nhà thờ tộc , chi …vvv . Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta , phải được duy trì , bảo vệ , và phát triển nó để cho các thế hệ mai sau không bị mai một . Ông tập hợp những văn thân yêu nước tiến bộ, có tư tưởng chống thực dân Pháp, bất hợp tác với Pháp, cùng ông tham gia vào việc biên soạn sách, đề cao các hoạt động văn hóa tâm linh mang ý thức dân tộc. Cũng từ đây ông đã soạn thảo ra cuốn “Thiên bản lục kỳ kí “ nói lên 6 sự lạ trên đất Thiên bản , đều là 6 hiện tượng thần linh giáng thế tại Thiên bản mà Thánh mẫu Liễu Hạnh là 1 trong 6 hiện tượng đó . Sau đó Ông đã đi sâu vào nội dung của tín ngưỡng Thánh Mẫu Liễu Hạnh, tôn trọng và đề cao gương sáng Hiển, Trinh, Từ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một tín ngưỡng dân gian rộng rãi và chính nghĩa của nhân dân ta . Rồi Ông đi khắp các Đền , Chùa không chỉ ở trong Huyện , Tỉnh , mà còn đi các tỉnh lân cận làm các hoành phi câu đối để ca ngợi Thần linh ở đó . Ông sáng tác nhiều thơ ca , ca ngợi các danh thần , nghĩa sỹ có công với dân , với nước và sưu tập những bài thơ hay của các bậc văn thân sĩ phu tiền bối để phổ cập trong dân chúng
Qua các nghiên cứu của Nhà “ Thiên Bản học “ Bùi văn Tam chúng ta thấy vùng đất Thiên Bản là vùng đất đặc biệt có : “ Thiên bản lục kỳ “ chứng tỏ nơi đây có nhiều thần linh giáng thế , Nhân dân Thiên bản thấm nhuần văn hóa tín ngưỡng thần linh nên Đền , Chùa , Miếu mạo vẫn tồn tại hương khói hàng ngàn năm nay và vùng đất linh thiêng này qua nhiều thế hệ, thời nào cũng sản sinh ra những con người trân trọng , bảo tồn , phát triển văn hóa tín ngưỡng thần linh này , Đó là những con người như Tiến sỹ Nguyễn Văn Tính , Tế tửu quốc tử giám Khiếu năng Tĩnh ( thầy dạy của cụ nghè Tính ) và nhiều sỹ phu khác . Chính hồn thiêng của sông núi nơi đây đã kết tinh ra những bậc Hào kiệt này , để rồi các bậc Nhân kiệt đó làm phát sinh đâm chồi nảy lộc các giá trị văn hóa tín ngưỡng của dân tộc