CẢM NHẬN VỀ CHƯƠNG TRÌNH LÀNG CỰU HÀO ĐÓN XUÂN QÚY MÃO 2023

6 phút để đọc

                             

Tôi sinh ra và lớn lên ở quê nhưng đã sống xa quê hơn năm mươi năm nay. Mặc dù xa quê nhưng hình ảnh quê hương yêu dấu vẫn in đậm trong tâm khảm của mình. Mỗi năm khi tết đến xuân về trong lòng lại xốn xang rạo rực nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Trải qua hàng ngàn năm với bao biến cố của lịch sử, làng Cựu Hào vẫn giữa được truyền thống văn hóa đặc trưng là nơi “địa linh nhân kiệt”,giàu truyền thống văn hóa.

Kể từ khi biết cảm nhận tới nay, tôi nghĩ “Chương trình đón mừng Xuân Qúy Mão 2023” sẽ là một dấu son lịch sử trong sinh hoạt văn hóa của làng ta. Các nghi lễ truyền thống của cha ông từ ngàn xưa như lễ “tống cựu nghinh tân”, rước đuốc, long lân đến chúc tết từng nhà…đang dần được khôi phục và tái hiện. Các trò vui chơi dân gian trong ngày tết lại làm tôi bồi hồi nhớ lại biết bao ký ức của tuổi thơ trên quê hương. Khi xem đến chương trình “Văn nghệ chào mừng Xuân Qúy Mão 2023”, tôi cứ quay đi quay lại nhiều lần để xem mà vẫn rất thích. Tôi thấy “Chương trình văn nghệ chào mừng Xuân Qúy Mão 2023” mặc dù là “cây nhà lá vườn” nhưng đã được giàn dựng rất công phu, các tiết mục rất phong phú về thể loại và có đủ các lứa tuổi tham gia.  

Cảm nhận đầu tiên của tôi về “Chương trình chào mừng Xuân Qúy Mão 2023” trên quê hương là: Mặc dù tôi không phải là người làm công tác văn hóa tư tưởng nhưng tôi thấy ban tổ chức, nhà tài trợ của chương trình đã đi đúng xu hướng của thời đại. Bởi vì khi đời sống ngày càng phát triển, hoạt động văn hóa, văn nghệ càng diễn ra sôi nổi và trở thành “món ăn tinh thần” bổ ích, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Hoạt động văn hóa văn nghệ đã nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta thêm yêu quê hương đất nước, là nguồn cổ vũ mọi người trong lao động và học tập. Lời ca tiếng hát làm cho chúng ta như trẻ lại, như xích lại gần nhau hơn, hiểu và tin yêu nhau hơn. Lời ca tiếng hát như xua tan mệt nhọc, ưu phiền, làm ta thêm yêu cuộc sống tươi đẹp và tin tưởng vào cuộc đời có ý nghĩa hơn. Văn hóa văn nghệ là món ăn tinh thần, vì vậy mỗi người có một cảm nhận riêng, nhưng cái hay, cái đẹp của văn hóa văn nghệ là hướng mọi người tới chân, thiện, mỹ.

“Chương trình văn nghệ chào mừng xuân Qúy Mão 2023” tiết mục mở đầu “Mừng ngày tết quê em” do các cháu thiếu nhi biểu diễn, rất vui nhộn, hồn nhiên trong sáng như buổi sáng mùa xuân tràn đầy hy vọng.  

Tiết mục “Cô Đôi thượng ngàn”, là tiết mục tôi rất có ấn tượng. Vì không am hiểu nhiều về nghệ thuật múa hát nên tôi không dám nhận xét sâu vào lĩnh vực  chuyên môn. Nhận xét trực quan của tôi là: Các diễn viên như đã được học qua lớp học của thày biên đạo múa. Các động tác múa của nhân vật chính và phụ, rất nhịp nhàng nhuần nhuyễn, diễn xuất, biểu cảm của diễn viên không khác gì diễn viên chuyên nghiệp.

Sau khi xem tiết mục “Cô Đôi Thượng Ngàn”, tôi lại phải đi tìm hiểu về sự tích “Cô Đôi Thượng Ngàn”. Theo Bách khoa toàn thư, “Cô Đôi Thượng Ngàn” là một vị thần trong đạo Mẫu Việt Nam. “Cô Đôi Thượng Ngàn” được thờ ở nhiều di tích đền và phủ ở phía Bắc Việt Nam và được ca ngợi trong những ca khúc hát văn nổi tiếng mang tên “Cô Đôi Thượng Ngàn”. “Cô Đôi Thượng Ngàn” vốn là Sơn Tinh công chúa con Đế Thích trong Thiên Cung. Sau đó Cô giáng sinh xuống đất Ninh Bình làm con gái một quan lang họ Hà, chúa đất người Mường ở vùng rừng núi Cúc Phương Nho Quan. Khi hạ sinh, Cô Đôi rất xinh đẹp: da trắng, tóc đen óng ả mượt mà, mặt tròn, lưng ong thon thả. Năm Cô lên bốn tuổi, gia đình vị quan lang chuyển tới làm quan ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Sau này Cô được Mẫu Thượng Ngàn cho học đạo phép để giúp dân. Rồi khi Cô về trời, Cô được Mẫu Thượng Ngàn truyền cho vạn phép, giao cho Cô dạy người rừng biết thống nhất về ngôn ngữ, “Cô dạy người Kinh xuống sông thả lưới, dạy người Mèo phát rẫy làm nương…” Lúc thanh nhàn Cô về ngự cảnh sơn lâm núi rừng ở đất Ninh Bình quê nhà, Cô cùng các bạn tiên nữ ca hát, nhảy múa ca ngợi “Trên ngàn xanh lắm qủa nhiều hoa…”. Cô Đôi cũng là tiên cô cai quản kho lộc sơn lâm, sơn trang, người trần gian nhất tâm thì thường được Cô ban thưởng, người có nợ mà không mau trả lễ Cô bắt đền nặng hơn.

Cô Đôi Thượng Ngàn hay ngự về đồng trong các buổi đại lễ khai đền mở phủ. Trong bốn vị tiên Cô là Cô Đôi, Cô Bơ, Cô Chín, Cô Bé, Cô Đôi, thì Cô Đôi là giá ngự đầu tiên để chứng lễ. Khi Cô về ngự, đoạn hát văn đầu tiên thường thỉnh là:

“Bồng Lai là cảnh Thiên Thai

Tấu Cô Đôi Thượng đại tài ai qua

Hầu Vua hầu Mẫu bơ tòa

Tiếng tăm lừng lẫy Vua Bà yêu thương

Về đồng đánh phấn soi gương

Lược ngà chải chuốt, vành dây vấn đầu”

Sau khi tìm hiểu về sự tích “Cô Đôi Thượng Ngàn”, tôi lại càng yêu thích tiết mục “Cô Đôi Thượng Ngàn”. Đây không những là một tiết mục nghệ thuật mà nội dung còn giáo dục cho thế hệ hôm nay biết quý trọng truyền thống văn hóa của quê hương, biết ơn tổ tiên, các bậc tiền nhân đã khai sơn lập địa. Trước đây, vào những năm 1960 của thế kỷ trước, tôi có đi xem hội Phủ Dày, việc hát văn, hầu đồng đều bị cấm kỵ. Lúc ấy tôi còn nhỏ không am hiểu gì về giá trị của văn hóa phi vật thể nên cũng chỉ biết a dua, ăn theo, nói leo là hát văn, hầu đồng là mê tín dị đoan, cần lên án. Bây giờ hiểu ra rồi tôi càng trân trọng truyền thống văn hóa của dân tộc nói chung và của quê hương mình nói riêng, bởi vì văn hóa là nền tảng của xã hội, là bản sắc của quê hương mình.

Xem tiết mục hát chèo “Chúc mừng đất Cựu quê ta” do bà Lê Thị Kệ tự biên tự diễn, tôi lại nhớ về những năm 1960 của thế kỷ trước. Hồi đó bà còn trẻ, là người hát chèo hay nhất trong làng. Bà vừa hát vừa múa trên sân khấu, các khán giả dưới sân cứ vỗ tay rầm rầm. Bây giờ lớn tuổi rồi, không thấy bà múa nhưng giọng hát vẫn như xưa. Tôi thầm ước ao bà hãy truyền lại cho lớp trẻ hôm nay về nghệ thuật hát chèo để cùng nhau giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa của làng quê mình.   

“Chương trình chào mừng Xuân Qúy Mão 2023” tôi nghĩ là một dấu son lịch sử trong sinh hoạt văn hóa của làng Cựu Hào quê ta. Văn hóa nghệ thuật là món ăn tinh thần, là nhu cầu  không thể thiếu được khi đời sống trên quê hương mình đang đổi mới và phát triển hàng ngày. Văn hóa nghệ thuật làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn, hiểu và tin yêu nhau hơn để cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.