HOÀI NIỆM VỀ QUÊ HƯƠNG CỦA NGUYỄN HỮU ĐƯỜNG

4 phút để đọc

            NGÔI ĐỀN LÀNG CỰU HÀO, NƠI TỤ THỦY THỊNH MÃN

Hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình là biểu tượng của làng quê Việt Nam từ bao đời nay. Nó đã được phản ánh bằng những câu ca dao nói lên sự gắn bó máu thịt với cuộc sống đời thường.

Cây đa, bến nước, sân đình

Đi xa ta nhớ nghĩa tình mình ơi

   Làng Cựu Hào quê tôi cũng như bao làng quê của vùng đồng bằng Bắc Bộ, cũng có biểu tượng đặc trưng là: cây bàng, bến nước, ngôi đền.

   Hình ảnh cây bàng, bến nước, ngôi đền đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ làng tôi. Qua bao thăng trầm biến động của thời gian, đền làng là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện về văn hóa xã hội và  lịch sử.  

   Từ khi tôi sinh ra và nhận biết đã thấy cây bàng, bến nước, ngôi đền nhưng không biết nó có tự bao giờ. Tôi chỉ được nghe nói đền là nơi thờ Thành hoàng và các vị thánh có công với dân với nước. Sau hòa bình năm 1954, chỉ thấy ngôi đền có phần trung đường và tiền đường, phần hậu cung đã bị Pháp bỏ bom phá nát chỉ còn lại bậu cửa bằng đá xanh có vân hoa điêu khắc cầu kỳ.

   Các cụ ngày xưa đã chọn vị trí để xây dựng ngôi đền, đó là nơi thoáng đãng, thế đất rất hợp phong thủy mang ý nghĩa “tụ thủy thịnh mãn” cho cả làng.

   Phía trước đền là hồ nước rộng cả ngàn mét vuông, chính giữa hồ có cây sy cổ thụ, cành lá sum xuê xanh tốt quanh năm, từng chùm rễ như những mái tóc của các cô thôn nữ xõa xuống mặt hồ, bám sâu vào lòng đất. Bờ hồ được xây kè bằng gạch đặc, có hai bến tắm giặt, một bến dành cho nữ giới, một bến dành cho nam giới. Vào dịp Tết trung thu, hồ là nơi diễn ra các trò vui chơi giải trí cho thanh thiếu niên như thi bơi lội, đi cầu treo, đua thuyền nan.

   Trước đền có hai cây bàng cổ thụ, cành lá xum xuê như hai cây dù khổng lồ. Hai cây bàng có từ bao giờ, đã nhiều lần tôi hỏi các cụ cao niên trong làng nhưng cũng không ai nắm rõ. Mùa hè, dưới gốc bàng phía Đông là nơi nghỉ mát cho dân làng, gốc bàng phía Tây là nơi để cho trâu bò nằm nghỉ. Những  đêm hè nóng bức, dưới gốc bàng còn là nơi tụ tập chuyện trò và ngủ qua đêm của các cụ và thanh thiếu niên trong xóm. Hai cây bàng cổ thụ trước đền như tượng trưng cho nơi linh thiêng che chở, trấn giữ cho cả làng.

   Hai bên Đông và Tây của ngôi đền có hai giếng nước trong như đôi mắt ngọc của đền. Giếng nước bên Đông đền là nguồn cung cấp nước sạch cho xóm Chùa và xóm Sau của làng Cựu Hào. Trên lối đi xuống giếng gánh nước có một cây gạo to, cao bằng nhà ba tầng. Vào mùa Đông, cây gạo trút hết lá để sang Xuân nở ra những bông hoa rực rỡ như các đốm lửa giữa không trung. Đến tháng ba, mùa hoa gạo nở là mùa ấm áp và vạn vật sinh sôi. Hoa gạo nở cũng báo hiệu một vụ mùa mới cho dân làng. Có lẽ vì thế mà loài hoa này hay gợi nhớ đến niềm vui và hy vọng. Trong tổng thể kiến trúc của ngôi đền, giếng nước còn tượng trưng cho sự dồi dào, sung mãn của sự sống.

   Phía Đông đền còn có bệ Tế thần Nông để hàng năm vào mùa Xuân các bô lão trong làng làm lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà no ấm.

   Bên hông, phía Tây hậu cung (1) cũng có một cây nhãn đại thụ, cành lá xum xuê, vỏ sần sùi, gốc to bằng một người ôm. Vào tháng ba hoa nhãn nở thành chùm, cánh hoa nhỏ li ti, mỏng manh, chi chít trên cành, mỗi chùm hoa giống như một ngọn tháp nhỏ kiêu hãnh vươn lên và tỏa hương thơm man mác. Khi hoa trở thành qủa mọng ngọt ngào thì chùm nhãn lại trĩu xuống, làm người ta liên tưởng đến triết lý sống “Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu”.

   Phía sau hậu cung, là bờ rào được làm bằng một dãy cây tầm xuân. Cây tầm xuân có sức sống dẻo dai, dây leo vươn dài và quấn quýt vào nhau. Vào mùa Xuân hoa nở thành chùm mùi thơm dịu ngọt. Cây tầm xuân tượng trưng cho tình anh em gắn bó keo sơn, dù phải trải qua sóng gió khó khăn vẫn luôn luôn ở bên nhau.  

   Cây bàng, bến nước, ngôi đền đã ăn sâu vào tâm khảm những người con của làng Cựu Hào, không những là biểu tượng của làng quê bình yên mà còn là nơi gắn bó máu thịt trong tâm hồn mỗi người.      

 

(1)  Trong kháng chiến chống Pháp, có một tiểu đội bộ đội địa phương bí mật ở trong hậu cung của đền. Khi bộ đôi vừa rút đi thì máy bay Pháp đến ném bom trúng hậu cung. Phần hậu cung bị phá tan nhưng các bát nhang thì vẫn còn nguyên vẹn.