VÀI NÉT VỀ DI TÍCH LICH SỬ LÀNG CỰU HÀO

3 phút để đọc

Làng Cựu Hào xưa kia bắt nguồn từ  Kẻ Sặt , được hình thành trong thời Vua Hùng lập nước Văn Lang, cách đây ít ra cũng khoảng hơn hai ngàn năm, Kẻ Sặt lúc đầu nằm trên đất gò Voi (gò Tượng) là nơi cao ráo, xung quanh là đầm lầy, lạch nước, có những mưỡu cây rậm rạp trên những gò đống, bãi cát. Các di chỉ khảo cổ còn lại ở trong hang Lồ, hang đằng Đông của núi Lê, hay hang Lợn, hang Hương ở núi Hổ gần đó. Cái tên Kẻ Sặt hoàn toàn là tên Nôm của thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang. Cư dân thời đó còn  lệ thuộc vào thiên nhiên . Họ tin tưởng các hiện tượng thiên nhiên đó là những vị thần có uy có lực tác động đến đời sống , nên có tín ngưỡng,  thờ phụng các vị thần đó để bảo vệ dân làng. Kẻ Sặt xuất hiện ở gò Tượng nên thờ Sơn đại tướng – một vị thần núi. Thời vua Hùng vương có Quan Lang là chức quan quản lý một bản làng. Quan Lang trở thành thần phù trợ cho bản làng, nên dân làng lại thờ Quan Lang làm thần, tôn danh hiệu là Quan Lang hiển ứng Uy linh đại thần. Khi làm nông nghiệp phải trông chờ vào mưa thuận gió hòa. nên thờ thần Lôi Công (thần Sấm) để mong được điều hòa mưa, để ngăn ngừa lũ lụt và chống hạn hán, thần Lôi Công là thiên thần, gắn bó chặt chẽ với mọi nhà nên còn gọi là Lôi Công cửa nhà. Như vậy là thời kỳ đầu, làng Cựu Hào khi có tín ngưỡng đã thờ ba vị Thiên thần nên Duệ hiệu của đền làng Cựu Hào ghi là:

“Tam vị: Sơn Đại tướng, Lôi Công cửa nhà, Quan Lang hiển ứng Uy Linh đại thần và Lôi Công Đại Vương hiển ứng quảng đức, tế  thế, an dân hộ quốc, hách liệt thanh linh nghiêm dực thuần chính chi  thần gia tặng Túy mục Thương đẳng thần.”

Đền thờ làng Cựu có thờ Mỹ Hoa công chúa. Từ điển của làng có ghi Duệ hiệu của nữ thần này:

“Hoàng hậu Mỹ Hoa công chúa Dực bảo trung hưng linh phù chi thần, gia tặng Trui tĩnh Trung Đẳng thần”.

Theo giáo sư Trần Văn Giàu, trong sách “Lịch sử tư tưởng Việt  Nam – Ý thức hệ phong kiến – có nói các làng xã Việt Nam có tập tục lập miếu thờ một nữ hay hai nữ thần (miếu Hai cô). Làng Cựu thờ “Hoàng hậu Mỹ Hoa công chúa” không rõ lịch sử và được thờ từ bao giờ.

Đến thời Lê Nguyễn, họ Nguyễn Đại tộc Cựu Hào có hai vị đều đậu cử nhân, lên làm quan triều đình Lê Nguyễn, có uy tín với dân  làng, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng làng xã, được dân làng tôn kính, khi mất được tôn vinh là phúc thần của làng được dân làng tôn trọng hợp tự tại đền làng. Đó là ông Nguyễn Sưởng và ông Nguyễn Công Thuyên.

Từ điển của làng (sách lễ của làng) có ghi duệ hiệu trên thần vụ   của hai ông :

“Tiền triều Tả mạc, Thiệu Thiên phủ Huấn Đạo Nguyễn Công thụy Đôn Trực tiên sinh” (của ông Nguyễn Sưởng).

“Hoàng triều Trung thuận đại phu Quốc tử giám Tế tửu Tán trị Nguyễn Đoãn Hầu thụy Đôn Văn công tiên sinh”. (của ông Nguyễn Công Thuyên). Trong đền, ở cung Đệ nhị có bàn thờ 2 vị phúc thần có ngai thờ thần vị và hai bát hương.

 Trong “từ điển”( Sách lễ )  của làng còn ghi tên và thụy hiệu của các  vị hậu thần được vọng thờ ở đền của các họ Lê, Đỗ, Phạm, Hoàng, Ninh , hai họ Nguyễn… của làng,

Nhìn chung, việc thờ phụng các thần của Đền làng Cựu Hào là như thế, có thờ cả Thiên thầnNhân thần, chứng tỏ lòng tôn kính “Uống nước nhớ nguồn”, nhớ ơn các vị thần thánh và các vị tiên liệt đã chở che, giúp đỡ và ban phước lộc cho dân làng.

Danh mục:

Ngày cập nhật: