KHẢO MÍT
(Tản văn)
Bữa nọ dọn tủ áo, gặp lại đồng tiền năm hào đã ố vàng cùng vài thứ giấy tờ trong một túi ni lon nhỏ. Năm hào thuở ấy mua được bát phở mậu dịch không người lái, nghĩa là không có thịt. Chợt nhớ bà cụ Khâm và hai người bạn thời nhóc con, chuyện liên quan đến một cây mít.
Cây mít ấy ở góc vườn, giữa đống rơm và đầu hồi nhà bà cụ Khâm, là một cổ thụ. Nghe nói do cụ cố nhà ấy, sinh thời thịnh vượng đông con nhiều cháu, mua ở chợ Viềng Xuân đem về trồng. Nó lớn cực nhanh, hạ thổ mới dăm năm đã bói hai chục quả to bằng giành tích. Mít chín cây hương tỏa khắp xóm, ra tận đồng làng. Không biết vì đất đai mầu mỡ, giống cây mắn đẻ hay do chăm sóc, hoặc do linh khí phiên chợ mua may bán rủi mỗi năm chỉ họp độc một phiên, mà nên. Còn những đồn thổi khác nữa. Có điều, từ khi chú Khâm thoát li, đã ba năm, nó không chịu hoa quả gì hết, đến cả cái dái mít chát sít sìn sịt cũng không. Cây mít lâu không quả, ba thằng- tôi, thằng Qúy và thằng Danh chịu nhạt miệng liền mấy mùa hè. Buồn đã đành, lại thương bà cụ Khâm. Thời cụ về làm dâu, gia cảnh đã kém lắm, được mỗi chú Khâm, cụ ông lại đoản thọ. Giờ bà cụ thui thủi một mình, tháng đôi lần đi chợ, lần nào cũng mua quà cho chúng tôi, mùa nào thức ấy, dù chả nhiều nhặn gì. Buồn, chúng tôi tụ tập trong sân, cạnh gốc mít, đánh khăng, đánh đáo và tán dóc. Người lớn bảo, gần gốc mít dưới chân đống rơm, có một căn hầm, cụ chủ nhà này thường cất giấu của nả, phòng Tây đi càn. Mấy bận giặc tràn tới, khi thì bí thư chi bộ với đội phó du kích, đận thì xã đội trưởng với hội trưởng phụ nữ, đều một nam một nữ, ẩn trong hầm mấy ngày. Lại nghe, hồi chú Khâm còn ở nhà, tối thường đưa cô phó bí thư chi đoàn vào chỗ đấy, mít với người dính chặt vào nhau. Cây, như người vậy, thính của và hơi đàn ông đàn bà, nên sai hoa sai quả. Chuyện là do thằng Danh nghe được, kể lại. Tôi thì biết chắc chắn, thực có một căn hầm, thời Pháp thuộc nhà cụ Khâm vẫn tránh bom đạn ở đấy, giờ sạt lở mất một góc, tôi thỉnh thoảng chui vào bắt dế. Thằng Qúy bảo, chuyện thằng Danh tầm phào, hồi chú Khâm ở nhà, toàn tè vào gốc, cây mít không ngon không sai quả mà được à. Chú Khâm đi thì tao, thằng Danh cãi, ngày nào tao cũng vào đấy. Xóe, xóe, xóe. Xì, nước đái trẻ con ăn thua gì, tôi bảo, từ bây giờ ba thằng, ba thằng nhóc tì phải bằng một người lớn chứ, chúng ta tè thay chú Khâm, được không! Được quá chứ lị. Nói là làm, ba thằng cùng vạch quần, dù cuối cùng, chỉ hai vòi có nước, thằng Danh rặn đỏ cả mặt, một chốc nó kéo quần. Mặt vẫn bừng bừng, nó hừ một tiếng rõ to: Chúng mày nghe đây, cóc phải cái gì cũng cố mà được đâu. Thằng Qúy khịt mũi phán, từ giờ, phải để dành nhá! Ừ, thì để dành. Vậy là, từ sáng sớm hôm sau, rồi lúc tan buổi học hoặc đi chăn trâu về, chúng tôi đều phóng vào đấy. Gốc mít, từ bữa đó, lúc nào cũng khai mù mịt.
Một buổi trưa, bà cụ Khâm gọi chúng tôi đến, bảo: Mai sang khảo mít cho bà nhé. Khảo như thế nào ạ?. Bà cụ, tay trỏ lên cây, tay chặt dứ dứ vào gốc, một đứa hỏi, một đứa giả nhời, như thế, như thế…Nghe chưa! Mấy năm rồi bà không khảo ư. Có khảo, có khảo. Cơ mà cây mít này bướng, nó không sợ đàn bà. Vậy, không khảo hôm nay được ư. Không được, không được. Phải là ngày mai, ừ ừ, trưa mai. Trưa mai đấy, nhớ chưa! Chúng tôi vâng dạ một chập, đánh chén hết rá ổi đào, rồi chuồn. Thì ra là vậy, ngày mai, mùng năm tháng năm ta, đúng tết giết sâu bọ, ở nhà tôi, mẹ sắm lễ xôi chè với nải chuối và mấy quả chanh. Trong căn nhà bà cụ Khâm cũng thoáng mùi hương khói. Ba thằng liếm mép, nhí nháy nhau. Bà cụ “hừm” một tiếng, bảo, nhanh tay nhanh chân lên cho bà, chốc xong mới được thụ lộc. Vâng, nhanh ngay đây ạ. Thằng Danh, chỉ cần ba lần nhún đã tót lên lưng chừng cây. Tôi và thằng Qúy, đứa dao đứa vồ, thi nhau bổ vào gốc mít: Mít kia, mít kia. Dạ, dạ. Sao mấy năm mày không ra quả? Dạ, dạ…Là vì…Huỵch huỵch, phập phập. Mày nhớ nước đái chú Khâm hử? Mả bố mày, bà cụ quát. Thằng Qúy ăn nói vậy hử! Huỵch, huỵch. Phập, phập. Dao và vồ lại bổ vào cây. Mít kia, mít kia! Dạ, dạ. Mày nhớ cô phó bí thư chi đoàn phải không? Thằng nặc nô! Bà cụ lại tru tréo, thì ra chúng mày không biết khảo, hử. Khục, khuc…Thằng Qúy bụm miệng cố không phát ra tiếng cười. Phập, phập…Huỵch, huỵch…Vồ và dao lại tiếp tục. Mít, sao ba năm mày không ra quả, hử? Dạ, dạ…Là tại con quên ạ. Quên? Quên! Bố mày, thằng Danh, bà dặn rồi cơ mà. Lại huỵch huỵch, phập phập. Mít kia, mít kia. Dạ, dạ. Sang năm nhớ ra quả, nghe không! Dạ, dạ, Nhớ ạ, nhớ ạ! Ra nhiều vào nhé! Vâng ạ, Nhiều.
Nhiều là bao nhiêu? Một trăm. Một trăm được chưa ạ? Được. Một trăm. Mà to vào đấy! Ừ, to bằng nào nào? Dạ…bằng…bằng…nắm tay ạ! Giời ơi, cha bố mày, Danh ơi là Danh ơi! Bằng nắm tay thì ăn gì. Xuống! Thằng Danh chưa kịp tiếp đất, bà cụ Khâm đã xấn tới, hăm hở trèo, tấm váy vá cứng quèo kêu sột xoạt. Ba chúng tôi phải hè nhau đẩy lên cũng chỉ tới được chạc cây gần nhất. Ba thằng, hai dao một vồ, lại huỵch huỵch, phập phập. Mít kia, mít kia! Đây, mít đây, mít đây. Sang năm nhớ ra quả, nghe chưa! Ừ, tao nhớ, à quên…Mít nhớ rồi. Sai vào đấy. Một trăm quả nhé! Ừ, một trăm. Mà to vào, to vào. To bằng nào? Bà cụ dạng chân chèo, cao giọng: To bằng…Thằng Qúy thình lình ôm bụng cười: Chuột, một con chuột. Đâu, đâu? Tôi và thằng Danh, dao vồ lăm lăm trong tay. Đấy, đấy! Thằng Qúy trỏ ngược lên cây. Ồ, không. Ếch, ếch. Ếch đâu, ếch đâu? Ếch…trên cây ý…Trong…váy bà…Mả bố mày! Bà cụ Khâm nhảy xuống, ngã vào chân đống rơm, gượng dậy ngay được, giật con dao trong tay tôi. Thằng Qúy tót qua bờ rào. Bà cụ vừa thở vừa nói: Thôi, vào mà ăn xôi mí chè. Hai đứa ba bát. Không cho cái thằng giời đánh kia nữa. Chốc, bà sang bảo bố nó. Có mà nhừ đòn. Thằng Qúy rốt cuộc bình yên vô sự, bà cụ Khâm vốn vậy, khẩu xà tâm Phật.
Cuộc khảo mít ứng nghiệm, năm sau quả chi chít từ gốc lên, cả những cành bằng bắp chân cũng nhóc nhách quả, có điều, đúng như lời thằng Danh xướng, trái nào trái nấy chỉ to hơn vốc tay. Mít đầu mùa chín cây một lứa hàng chục quả, bà cụ Khâm gọi ba thằng sang, trẩy xuống. Cha bố chúng mày, hôm ấy bà dặn thế mà không ăn nhời. Dưng mà mít ngon, nhỉ!. Ăn đi, ăn cho khỏe vào. Vâng, mít rất ngon, mỗi quả nhõn dăm ba múi, vàng hươm, giòn, ngọt và thơm, những giọt mật trong lòng nhóng nhánh màu hổ phách. Từ bữa đó, chúng tôi được ăn cây mít ấy năm mùa hè nữa, lần lượt Qúy và Danh đi bộ đội. Trước đó ít lâu, khi Mĩ đã bom ngoài thành phố Nam Định, chúng tôi sửa chữa căn hầm cho bà cụ. Hôm tôi nhập ngũ, làng đã vắng thanh niên lắm rồi, bà cụ Khâm đến chơi, nâng bàn tay tôi lên, xòe ra, đặt vào đấy đồng tiền năm hào, ấp lại, bảo, bà cho lấy may, đi rồi về với u mày. Tôi không dám xin, là định thế. Nhưng nhìn bà cụ, nhìn u tôi, hai đôi mắt đều rân rấn nước, tôi dạ, rồi khoác ba lô lên, bước nhanh.
Năm năm sau tôi về, mùa mít đã qua. Danh và Qúy đều nằm lại với rừng. Chú Khâm đi thoát li, nghe nói xí nghiệp làm ăn thất bát, phải giải thể, lại đụng chiến tranh biên giới hồi tháng 2 năm 1979, gia đình tứ tán, bây giờ thì không nghe tăm tích gì nữa. Bà cụ Khâm mất đã lâu, cây mít cũng theo cụ chủ mà đi. Mãn tang cụ, một năm mưa thuận, gió hòa, ít sâu, ít dịch bệnh, cây mít tự nhiên rụng lá, trơ cành, đứng như giời đày suốt từ đầu hạ đến cuối thu. Một đêm nọ, không mưa không gió, bỗng “rụp” một tiếng. Cây đổ, vẽ một quỹ đạo lạ thường, khi gần đến đầu hồi nhà, nó lảng ra, vật xuống giữa vườn, cây cối chỉ lất phất vài cành nhỏ và ít lá bị bứt theo. Vuông thổ cư ấy, chủ mới trồng hai hàng chè xanh, ba luống rau, còn lại trồng hoa và cây cảnh. Tôi hỏi, chủ nhà không biết mẹ con bà cụ Khâm. Lại hỏi, hai liệt sĩ vốn người trong ngõ này, vỗ trán một lúc mới ồ ồ, à à…
Làng tôi vậy đó, nhiều người, nhiều chuyện mới rờ rỡ như hôm qua, hôm kia đang mờ dần, khuất dần đi!
ĐVN